
Khủng hoảng 3 tuổi
Vào cuối tuổi lên 3, có thể thấy thường bùng lên những phản ứng cảm xúc mạnh của trẻ đối với những khó khăn trẻ gặp phải khi làm việc gì đó một mình không được, hoặc những cơn hờn dỗi khóc lóc khi trẻ đòi hỏi gì đó mà không được người lớn đáp ứng. Đó là biểu hiện của giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3.
Sự tách bản thân ra khỏi những người khác, nhận thức về mình tăng rõ rệt, khả năng so sánh mình với người khác, muốn được độc lập tự chủ trong hành vi là một bước ngoặt trong sự phát triển tâm lý tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ ở giai đoạn tiếp theo.
Trong khi những thay đổi ở trẻ diễn ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, bướng bỉnh, thì phương pháp giáo dục, phương thức ứng xử của người lớn với trẻ thay đổi chậm hơn, không bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng về tâm lý ý thức của trẻ. Sự phản kháng của trẻ chính là sự đòi hỏi của trẻ yêu cầu người lớn thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với chúng, là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển, chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Nhiều tác giả đã ví trẻ em giai đoạn này là những nhà khoa học tí hon, tích cực khám phá và luôn vận động.
Nếu người lớn không tổ chức được không gian an toàn và thoải mái cho trẻ tự do vận động và tìm tòi, thì trẻ sẽ lục lọi, khám phá những đồ vật trong phòng. Trẻ muốn tự làm, bắt chước người lớn làm mọi việc. Tuy nhiên, có một số việc có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ như trẻ muốn cầm dao gọt hoa quả, muốn cắm ổ điện, bật bếp ga, rót nước nóng,… Nếu trong những trường hợp này, người lớn thô lỗ ngăn cản, quát lên “không được, hư quá” sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng hụt hẫng, khó hiểu, và sẽ phản ứng lại dữ dội để đòi lại quyền của mình bằng cách đánh trả hoặc ăn vạ, khóc to.
Nếu người lớn không để ý đến trẻ, trẻ sẽ ăn vạ rất lâu. Nhưng nếu người lớn vội vàng dỗ dành và chiều theo mọi yêu cầu của trẻ thì lần sau trẻ sẽ càng hay hờn dỗi để đạt được mục đích của mình. Người lớn nên quan tâm đến trẻ, không để mặc trẻ khóc quá lâu, nhưng cũng không nên đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ chỉ để chấm dứt cơn hờn dỗi. Lợi dụng việc trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị “đánh lạc hướng”, không nhớ gì lâu, người lớn nên bình tĩnh, nhẹ nhàng hướng trẻ sang một đồ chơi yêu thích khác, hay đề nghị trẻ cùng làm một việc gì đó thú vị khác, trẻ sẽ quên những đòi hỏi không hợp lý của mình, quên những điều khó chịu vừa xảy ra và sẵn sàng bắt tay ngay vào việc mới.
Người lớn cũng cần tôn trọng, khích lệ tính tích cực, tính tự lập của trẻ, không nên dập tắt tính tích cực và hạn chế nguyện vọng độc lập của trẻ bằng các mệnh lệnh khô khốc như “ngồi yên”, “bỏ xuống”, “tránh ra”,… Nếu trẻ bị cấm quá nhiều sẽ không còn tích cực, lớn lên sẽ trở thành những người thụ động, vụng về và luôn dựa dẫm vào người khác. Một số khác có thể trở nên ngang bướng, chống đối và không nghe lời người lớn, thậm chí có thể có những hành vi đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội.
Nhìn chung, nếu đứa trẻ không được khích lệ, không được tạo điều kiện để phát triển (giống như cái cây không được chăm sóc, không có đất, nước, nắng, gió) thì khó có khả năng phát triển tốt đẹp.
Sự nhận thức đúng đắn và cách ứng xử phù hợp của cha mẹ cũng như việc tạo môi trường thuận lợi cho trẻ hoạt động khám phá có thể làm cho mối quan hệ châ mẹ – con cái trở nên tốt đẹp, giúp trẻ chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển mới một cách tích cực và nhanh chóng hơn.
Nguồn: Tâm lý học phát triển, Trương Thị Khánh Hà, NXB ĐHQGHN.
Ở các phần sau, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sự phát triển tâm lý của các giai đoạn sau: 3-6 tuổi, 6-11 tuổi, 12-17 tuổi,…
Kính mời các bạn đọc, các vị phụ huynh đón đọc series CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ TỪ SƠ SINH ĐẾN VỊ THÀNH NIÊN.