
Sự phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi)
Hoạt động chủ đạo: trò chơi đóng vai; chạy nhảy, leo trèo
Trẻ thường bắt đầu đi học mẫu giáo từ 3 tuổi. Trẻ rất háo hức và muốn được tham gia thực sự vào cuộc sống đa dạng của người lớn, muốn tự mình làm những việc như người lớn. Những mong muốn này được biểu hiện ở việc: trẻ đòi bế em, đòi phụ mẹ nấu ăn, đi chợ thì đòi được cầm tiền, đội mũ của bố, đi giày của mẹ,… Phần lớn những mong muốn của trẻ không được người lớn cho phép, vì trẻ còn nhỏ, có thể làm hỏng và gây nguy hiểm cho trẻ và mọi người. Để thoả mãn nhu cầu được tham gia vào các hoạt động xã hội, các trò chơi đóng vai trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo: mô phỏng những hoạt động, hiện tượng của cuộc sống mà trẻ chứng kiến.
Trò chơi đóng vai, đặc biệt là đóng vai theo chủ đề có vai trò quan trọng đối với sự phát triển vốn hiểu biết, khả năng tri giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ và các phẩm chất nhân cách như tình cảm, ý chí, khả năng giao tiếp, các chuẩn mực xã hội của trẻ em tuổi mẫu giáo.
Bên cạnh trò chơi đóng vai, những hoạt động như chạy nhảy, leo trèo, nhào lộn, vẽ, nặn, ghép hình, xếp hình cũng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển vận động, trí tuệ và các phẩm chất nhân cách của trẻ.
Đối với trẻ từ 3 – 6 tuổi, cha mẹ và cô giáo cần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào nhiều trò chơi phong phú, nhiều hoạt động đa dạng để giúp trẻ phát triển về thể lực, trí tuệ và nhân cách. Bên cạnh đó, việc trẻ thích được tự làm các công việc hằng ngày, người lớn nên kịp thời động viên, khích lệ trẻ tự làm các công việc cá nhân như tự ăn cơm, tự mặc quần áo, tự đi tất, tự đi dép, tự đánh răng, tự vệ sinh,… sau đó là các công việc nhà đơn giản như quét nhà, tưới cây, phụ bố mẹ lấy đồ vật gì đó,… Nếu trẻ làm sai, không nên mắng mỏ, trách móc, sẽ khiến trẻ chán nản và mất tự tin; người lớn cần kiên trì và nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ tự thực hiện các hoạt động đầu tiên đó.
Theo lý thuyết của Erikson, nội dung cơ bản của xung đột phát triển thời kỳ 3 – 6 tuổi là chủ động đối lập với cảm giác tội lỗi. Nếu như nỗ lực khám phá thế giới xung quanh, mong muốn được tự chủ hoặc tự hoàn thiện kỹ năng nào đó của tẻ thường xuyên bị ngăn chặn thì trẻ sẽ không có khả năng làm một việc gì đó một cách độc lập, sẽ trở nên thụ động, tự ti, thiếu quyết đoán, thiếu dũng cảm,… Chúng sẽ mất dần tính ham học hỏi vốn là biểu hiện tự nhiên của tính tích cực nhận thức ở trẻ em. Cảm giác có lỗi quá lớn có thể làm suy giảm tính chủ động của trẻ, khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân, trở nên sợ sệt, nhút nhát. Cảm giác thất bại có thể trở nên bền vững trong suốt cuộc đời sau này của chúng.
Nếu cha mẹ luôn khích lệ, động viên, ủng hộ và hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng thì dần dần trẻ sẽ nắm vững các kỹ năng mới. Trẻ dần có thể tự làm các hoạt động cơ bản mà không cần sự giúp đỡ của người lớn nữa sẽ khiến chúng cảm thấy tự tin hơn vào bản thân mình!
Sự phát triển nhận thức
Giai đoạn tuổi mẫu giáo, trí nhớ là quá trình phát triển mạnh mẽ nhất, giúp trẻ lưu trữ khối lượng khổng lồ các hình ảnh, biểu tượng, ký hiệu, làm nguyên liệu cho các quá trình tâm lý phức tạp và cao cấp sau này.
Trẻ em lứa tuổi này thường có xu hướng gán cho những sự vật xung quanh tâm hồn và cảm xúc của của sinh vật sống. Ví dụ, trẻ tin là nếu đánh mạnh thì búp bê sẽ đau và khóc. Đây là hiện tượng “nhân cách hoá đồ vật”.

Sự phát triển ngôn ngữ
Khoảng 3 tuổi, trẻ đã có thể nghe hiểu và nói được những câu đầy đủ, khá phức tạp. Khoảng 4 – 5 tuổi, các bình diện ngôn ngữ như từ vựng, ngữ âm, ngữ điệu, ngữ pháp hầu như đã được trẻ nắm vững. Đến cuối tuổi mẫu giáo, ở trẻ đã phát triển ngôn ngữ mạch lạc, có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa tư duy và ngôn ngữ.
Sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc là điều kiện quan trọng để trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1. Nếu trẻ em giai đoạn lứa tuổi này vẫn ngọng, phát âm sai, nói sai ngữ pháp, hoặc không hiểu lời người khác nói thì có thể trẻ đã bị chậm phát triển ngôn ngữ, cần có những biện pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Để phát triển ngôn ngữ mạch lạc ở trẻ, người lớn cần tạo điều kiện cho trẻ thường xuyên giao tiếp với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Sự tương tác, giao tiếp trực tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh trong các trò chơi, trong các tình huống cụ thể của cuộc sống có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Một số cha mẹ vì bận công việc và hay bật tivi cho con xem, cho con chơi điện thoại, hoặc bận đi làm xa chỉ thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện với con,… đều không có tác động đến sự phát triển ngôn ngữ tích cực ở trẻ em.
Cảm xúc, động cơ và các mối quan hệ giao tiếp
Khả năng thấy trước kết quả hành động làm cho cảm xúc của trẻ không chỉ gắn với những gì diễn ra ở thời điểm hiện tại, mà còn gắn với những gì diễn ra sau đó. Mặc dù cảm xúc của trẻ mẫu giáo có sự yên ả hơn giai đoạn trước, cảm xúc của trẻ vẫn khá dễ thay đổi, trẻ vừa khóc xong đã có thể cười ngay được.
Tình cảm của trẻ với những người thân thiết cũng được biểu hiện rất rõ. Trẻ yêu quý cha mẹ, ông bà, anh chị,… Trẻ thích được âu yếm và cũng thích ôm hôn cha mẹ, ông bà. Trẻ thường thích nói những câu tình cảm như “Mẹ ơi con yêu mẹ nhất”, “Bà ơi con yêu bà nhất”,… Trẻ rất lo lắng nếu cha mẹ cãi nhau, nếu mẹ khóc trẻ cũng sẽ khóc theo. Trẻ còn thể hiện tình cảm với các con vật, cây cỏ hoa lá, thể hiện sự yêu ghét đối với những nhân vật trong truyện, trong phim,.. Trẻ biết phân biệt đúng – sai, tốt – xấu nên đã có những cảm xúc tự hào, xấu hổ, yêu, ghét, thích,… rõ rệt. Năng lực đồng cảm của trẻ 3 – 6 tuổi đối với mọi người xung quanh thể hiện rất chân thành và rõ rệt. Có thể nói, đây là thời điểm lý tưởng cho việc giáo dục tình cảm thẩm mỹ, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, lòng nhân ái cho trẻ.
Tuy nhiên, không phải mọi trẻ ở giai đoạn này đều có đời sống tình cảm diễn ra tốt đẹp. Giáo dục gia đình có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy có mối tương quan khá chặt giữa ứng xử cảm xúc của cha mẹ và biểu hiện cảm xúc của con. Nếu cha mẹ là những người ứng xử cảm xúc hợp lý, vui vẻ, tự tin, thì con họ cũng thường tự tin, vui vẻ, ứng xử cảm xúc hợp lý hơn. Nếu cha mẹ là những người dễ bị kích động, căng thẳng, hay doạ dẫm, đánh mắng trẻ thì trẻ cũng hay sợ hãi, hay rơi vào trạng thái căng thẳng hơn.
Động cơ mạnh nhất của trẻ mẫu giáo là được khen ngợi và được nhận quà. Để khuyến khích trẻ hành động, làm việc như dọn dẹp đồ chơi, cất đồ ngăn nắp,… cha mẹ nên nói nhẹ nhàng và trao thưởng cho trẻ, ví dụ như khen trẻ, hoặc cho trẻ 1 cái kẹo,… Ở tuổi này, người lớn không nên bắt trẻ hứa điều gì, vì chúng chưa hiểu ý nghĩa thực sự của lời hứa, nên chưa có khả năng thực hiện những gì đã hứa, nếu hứa mà không làm thì dần dần sẽ tạo thành thói quen hứa suông, không tốt cho trẻ. Cấm đoán cũng không phải hình thức được khuyến khích, vì đôi khi càng cấm càng khiến trẻ tò mò và muốn làm những thứ mà người lớn ra sức ngăn cản kia.
Sự phát triển tự ý thức
Trẻ mẫu giáo thường tự đánh giá thông qua những đánh giá của những người xung quanh. Sự đánh giá và kỳ vọng không phù hợp của gia đình, thầy cô có thể sẽ rất ảnh hưởng đến tự đánh giá của trẻ.
Nhìn chung, tự đánh giá của trẻ mẫu giáo rất cao, nó giúp trẻ tích cực tham gia các dạng hoạt động mới, ít lưỡng lự phân vân, không sợ sệt. Sự tự tin ở giai đoạn này có vai trò đặc biệt quan trọng, nó giúp trẻ lĩnh hội các tri thức mới, sẵn sàng khám phá những điều mới mẻ và chuẩn bị bước vào lớp 1 một cách dễ dàng.
Nguồn: Tâm lý học phát triển, Trương Thị Khánh Hà, NXB ĐHQGHN.
Ở các phần sau, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sự phát triển tâm lý của các giai đoạn sau: 6-11 tuổi, 12-17 tuổi,…
Kính mời các bạn đọc, các vị phụ huynh đón đọc series CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ TỪ SƠ SINH ĐẾN VỊ THÀNH NIÊN.