Sự phát triển tâm lý của tuổi nhi đồng (6-11 tuổi)

Những thay đổi về thể chất và hoạt động

Khoảng thời gian lên 6, trẻ bắt đầu đi học và có thể trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Giống như mọi giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi trước, khủng hoảng 6 tuổi không gắn trực tiếp với sự thay đổi môi trường hoạt động, mà gắn với việc đứa trẻ thích ứng với các mối quan hệ mới trong môi trường hoạt động đó như thế nào và người lớn ứng xử với trẻ ra sao.

Khi trẻ đến trường, vị thế và các mối quan hệ của trẻ thay đổi, đứa trẻ đang ở ranh giới của giai đoạn lứa tuổi mới, hoàn cảnh xã hội của sự phát triển cũng thay đổi. Trẻ bây giờ đã là học sinh Tiểu học, tham gia vào hoạt động xã hội mới là hoạt động học tập – hoạt động được bố mẹ, ông bà, thầy cô,.. quan tâm và đánh giá cao.

Đầu tiên, trẻ chỉ cảm nhận vị thế xã hội mới của mình chỉ thông qua vẻ bề ngoài và các đồ dùng học tập (đồng phục, lớp học, cặp sách, sách, vở, bút, thước,…). Sau đó, trẻ mới dần dần ý thức được những yêu cầu đối với học sinh và những khó khăn trong hoạt động học tập.

Hoạt động học tập

Vào lớp Một, sự ham chơi dần nhường chỗ cho việc hình thành động cơ học tập. Trẻ hành động để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng mới. Kết quả học tập tốt khiến trẻ nhận được những lời khen ngợi của thầy cô, cha mẹ và bạn bè. Điều này càng khích lệ trẻ cố gắng học tập.

Hoạt động học khác hẳn với hoạt động chơi ở chỗ, hoạt động học là hoạt động xã hội thực sự, được tất cả trẻ em là người tuân thủ các quy định bắt buộc chung về giờ giấc, nội dung, công cụ, phương tiện nhằm đạt đến mục đích xã hội nhất định. Vì vậy, trẻ em đầu tiểu học phải thích ứng với hoạt động học tập và các mối quan hệ mới. Quá trình thích ứng của trẻ em diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý của trẻ trước khi đến trường có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sự quan tâm đúng cách của cha mẹ, phương pháp sư phạm của giáo viên, nội dung và chương trình học cũng có ảnh hưởng tới nhu cầu, hứng thú, tính tích cực học tập của các em.

Sự thay đổi môi trường hoạt động một cách triệt để – chuyển hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập làm cho học sinh bước vào lớp Một gặp nhiều khó khăn. Trẻ nào vượt qua được những khó khăn này thì sẽ học tốt, không vượt qua được thì sẽ dẫn đến tình trạng chán học, kết quả học tập không cao.

Nguyễn Khắc Viện đã từng nêu ra những khó khăn tâm lý mà học sinh lớp Một gặp phải đó là: trẻ phải giữ kỷ luật lớp học; trẻ phải học một chương trình nặng hơn so với tuổi mẫu giáo; trẻ ít được bố mẹ vỗ về âu yếm hơn trước; luôn phải chịu sự kiểm tra, đánh giá của bố mẹ.

Trẻ bước vào lớp Một phải rời bỏ cuộc sống thoải mái, đa dạng, vui nhộn, hoạt động tuỳ hứng ở mẫu giáo và khép mình vào kỷ luật nghiêm khắc của lớp học phổ thông; trẻ gặp khó khăn trong mối quan hệ với giáo viên; trẻ bị “vỡ mộng” khi vào lớp Một vì sự hân hoan, hồi hộp chờ đón những điều hấp dẫn được thay bằng những điều khác xa với tưởng tượng của trẻ.

Hoạt động học tập là hoạt động phức tạp, nó được hình thành và hoàn thiện trong suốt những năm tháng ngồi ghế nhà trường, nhưng cơ sở của nó đã được đặt nền móng ở những năm học đầu tiên. Điều quan trọng đối với trẻ em lứa tuổi tiểu học là nuôi dưỡng hứng thú và đam mê học tập lâu dài chứ không phải nhồi nhét kiến thức cho các em. Thầy Văn Như Cương từng nói: “Chúng ta phải giáo dục những con người học tập suốt đời, học là một cuộc chạy ma-ra-tông, chứ không phải là cuộc chạy đua nước rút”.

Kết quả học tập

Vì hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh tiểu học, nên nếu đứa trẻ đạt được kết quả tốt trong học tập thì chúng có biểu tượng về bản thân tốt và càng chăm học. Trái lại, những trẻ không đạt kết quả cao trong học tập thường cảm thấy chhúng không có đầy đủ giá trị so với các bạn cùng trang lứa.

Nếu như những cảm nhận về không có đầy đủ giá trị đó không được bù đắp bằng những thành công trong các dạng hoạt động khác được mọi người xung quanh và bản thân trẻ ghi nhận như thể thao, âm nhạc, vẽ tranh,… thì nó có thể tác động tiêu cực đến tính cách của một người trong suốt cuộc đời.

Có nhiều yếu tố tác động đến kết quả học tập của học sinh như sức khoẻ của trẻ, giới tính, gia đình, tự đánh giá,… Trẻ thông thường học tập tốt nếu cha mẹ ủng hộ và cho chúng những lời khuyên bảo. Nếu đứa trẻ xuất thân trong gia đình có các mối quan hệ phức tạp hoặc có điều kiện không thuận lợi thì thường trẻ sẽ có kết quả học tập không tốt.

Sự phát triển nhận thức, ngôn ngữ

Mặc dù so với trẻ mẫu giáo, trẻ tiểu học đã có khả năng tập trung chú ý tới những tài liệu không mấy thú vị, nhưng chú ý có chủ định vẫn ở mức thấp, các em thường không thể tập trung được lâu, do đó tài liệu học tập cho trẻ em các lớp nhỏ cần dễ hiểu, trực quan, sinh động.

Thời niên thiếu là thời gian ngôn ngữ phát triển mạnh, vốn từ của trẻ tiếp tục được mở rộng, trẻ nắm được các kết cấu ngữ pháp ngày càng phức tạp và sử dụng từ ngữ một cách tinh tế. Sự hoàn thiện ngôn ngữ của trẻ không diễn ra một cách tự nhiên mà nhờ vào sự hướng dẫn, rèn giũa của bố mẹ, thầy cô giáo.

Biết đọc và biết viết là kết quả của sự phát triển ngôn ngữ không ngừng của trẻ. Để giúp con học tốt, cha mẹ nên thường xuyên chuyện trò, động viên khích lệ, giao tiếp cảm xúc với con, chứ không nhất thiết chỉ là ngồi học và hướng dẫn con học.

Tự đánh giá và các mối quan hệ giao tiếp

Trẻ em từ 6 tuổi đã bước vào hoạt động xã hội chính thức là hoạt động học tập, kết quả học tập được được cha mẹ, thầy cô và những người thân hết sức quan tâm. Vì vậy, ở giai đoạn này kết quả học tập, đánh giá của thầy cô có ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm, động cơ, tự đánh giá của trẻ. Trẻ định hướng theo đánh giá của thầy cô và tự xếp mình và các bạn vào nhóm giỏi, khá, trung bình.

Những trẻ thường xuyên được khen, được điểm cao thường có tự đánh giá cao (trẻ hài lòng với mình và thường cảm thấy rằng mình nắm vững các kỹ năng xã hội, các kỹ năng khác,…). Những trẻ hay bị điểm kém, thường xuyên bị cô phê bình, chỉ trích thường có tự đánh giá thấp (thường không hài lòng với bản thân, tự cảm thấy mình không có kinh nghiệm, không có giá trị,…) dẫn đến không tự tin vào bản thân.

Erikson coi “sự tự tin vào khả năng của bản thân” là cấu trúc tâm lý quan trọng nhất của trẻ em lứa tuổi này, đảm bảo cho sự hình thành và phát triển nhân cách toàn vẹn của các em. Trên thực tế, bất kỳ đứa trẻ bình thường nào cũng có khả năng học tập. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo dục là phát triển tối đa sự tự tin của các em, phát triển cách nhìn nhận tích cực về bản thân ở học sinh.

Để phát triển “niềm vui vào bản thân” ở học sinh nhỏ tuổi, cần phải xây dựng trong lớp một bầu không khí tâm lý an toàn, thoải mái, làm sao để trẻ luôn cảm thấy được khích lệ, không sợ hãi mỗi khi điểm kém. Thầy cô nên có sự hướng dẫn, giải thích, động viên và khen ngợi để tạo cho trẻ sự an toàn, tự tin, tích cực, chỉ cho điểm bài làm cụ thể mà không nên đánh giá nhân cách trẻ, không so sánh các em với nhau, không kêu gọi bắt chước các học sinh giỏi mà nên hướng cho mỗi học sinh đạt tới thành tựu riêng của mình.

Sự hình thành và phát triển tự đánh giá của trẻ 6 – 11 tuổi phụ thuộc không chỉ vào kết quả học tập mà còn phụ thuộc vào những đặc điểm giao tiếp với cha mẹ, thầy cô và bè bạn ở lớp.

Phong cách giáo dục của cha mẹ, những giá trị được coi trọng trong gia đình và trong giáo dục con cái có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành tự đánh giá ở trẻ em. Những trẻ được giáo dục theo kiểu là trung tâm của sự chú ý, luôn được nuông chiều, tán dương mà hầu như không bị phê bình có thể có tự đánh giá cao nhưng dễ trở nên ngạo mạn, ích kỷ, coi thường người khác. Nếu trẻ luôn bị mắng mỏ, chê bai, bị coi là không được tích sự gì, hoặc trẻ không được quan tâm, bị bỏ mặc thì thường có tự đánh giá thấp. Những đứa trẻ trong các gia đình có cha mẹ không quan tâm đến nhau và không quan tâm đến con, không quan tâm đến học hành và cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của con, cũng hay có tự đánh giá thấp.

Nếu người lớn luôn quan tâm tới nhân cách trẻ em, đến sở thích, nhu cầu, quan hệ của con với bạn bè; kết hợp yêu cầu cao với tình yêu và sự tôn trọng con, không phê bình thái quá những nhược điểm của trẻ, không ngợi ca trẻ quá mức, giữ tình yêu và sự giáo dục đều ở mức vừa đủ, thì trẻ thường sẽ tự tin, tự đánh giá cao, có lòng tắc ẩn và tự trắc ẩn cao.

Nguồn: Tâm lý học phát triển, Trương Thị Khánh Hà, NXB ĐHQGHN.

Ở phần sau, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sự phát triển tâm lý của giai đoạn 12-17 tuổi, cũng là phần cuối của series CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ TỪ SƠ SINH ĐẾN VỊ THÀNH NIÊN.

Kính mời các bạn đọc, các vị phụ huynh đón đọc và theo dõi!

Nội dung

Xin chào! Lumiere có thể giúp gì cho bạn ;
Gọi tới Lumiere
Gọi tới Lumiere