Sự phát triển tâm lý của tuổi thiếu niên (11 tuổi đến 15,16 tuổi) - Học sinh trung học cơ sở

Hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này là học tập và giao tiếp với bạn bè.

Những biến đổi về giải phẫu sinh lý.

Sự hoạt động tổng hợp của các tuyến nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận) đã tạo ra nhiều thay đổi trong cơ thể trẻ, trong đó là sự nhảy vọt về chiều cao và phát dục ở trẻ. Điều đó đã làm cho sự phát triển cơ thể của thiếu niên diễn ra mạnh mẽ nhưng lại không cân đối. Cụ thể, chiều cao của các em tăng lên một cách đọt ngột, hằng năm có thể tăng từ 5 đến 6 cm. Trọng lượng cơ thể cũng vậy, hằng năm tăng từ 2,4 đến 6 kg, vòng ngực tăng nhanh, nhất là các em gái.

Ở giai đoạn dưới 14 tuổi, ở các em vẫn còn có các đốt sụn hoàn toàn giữa các đốt xương sống, nên cột sống dễ bị cong vẹo khi các em đứng hoặc ngồi không đúng tư thế hoặc các em phải lao động sớm, nhất là phải khuân vác các vật nặng.

Sự tăng các khối lượng các bắp thịt và lực của các cơ bắp diễn ra mạnh nhất vào thời kỳ phát dục khiến các em cảm nhận thấy mình khỏe ra, có thể làm được các công việc nặng nhọc của người lớn. Tuy vậy, ở các em nam và nữ cũng có chiều hướng phát triển cơ thể theo chiều hướng giới tính. Các em nam, cao lên, vai rộng ra. Còn các em nữ cơ thể tròn dần, xương chậu phát triển rộng ra. Nhìn chung, về hình dáng cơ thể ở lứa tuổi này là không cân xứng, các bộ phận không phát triển đồng đều, đặc biệt là sự cân đối giữa hệ cơ với hệ xương, xương chân và tay chóng dài nhưng cơ phát triển chậm nên đầu tuổi thiếu niên thường có thân hình dài, cao và hơi gầy, không cân xứng. Do vậy, các em thường rất lúng túng , vụng về, lóng ngóng khi thực hiện các thao tác, hành vi đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng, khéo léo.

Ở hệ tim mạch cũng vậy, thể tích tim tăng nhanh, hoạt động mạnh hơn nhưng đường kính phát triển chậm hơn. Điều này gây nên rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn máu, có thể dẫn đến hiện tượng chóng mệt, chóng mặt hoặc thậm chí hoa mắt, ngất … khi phải học tập hoặc làm việc trong thời giai dài liên tục không có nghỉ ngơi.

Về cảm xúc, do hoạt động thần kinh cấp cao ở tuổi thiếu niên có đặc trung là quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt, dẫn đến các em thường không làm chủ cảm xúc của mình, không kiềm chế được cảm xúc mạnh, dễ bị kích động, dễ bực tức, cáu gắt và dẫn đến các hành vi gây hấn, gây gổ với người khác. Ngay cả khi giao tiếp với người khác (nhất là với người lớn), trẻ thường nói nhát gừng, cộc lốc.

Sự trưởng thành về mặt sinh dục là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển về mặt sinh lý của trẻ. Tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động và cơ thể các em xuất hiện những dấu hiện phụ của tuổi dậy thì. Đối với các em nam: vỡ giọng nói; tinh hoàn và bìu, dương vật to dần; mọc lông mu, lông nách và ria mép lún phún; tăng chiều cao và xuất tinh lần đầu. Đối với các em nữ: núm vú nhô lên và phát triển; mọc lông mu, lông nách, tăng chiều cao và xuất hiện kinh nguyệt.

Tuổi dậy thì của các em nữ thường vào khoảng 12 đến 14 tuổi (có em 9 – 10 tuổi, hiện tượng dậy thì sớm), các em nam bắt đầu chậm hơn các en nữ khoảng 1,5 đến 2 năm. Sự phát dục ở tuổi thiếu niên tạo nên những thay đổi cơ thể đã tạo ra cho các em cảm giác về tính người lớn thật sự của mình, xuất hiện cảm xúc và tình cảm giới tính mới lạ, quan tâm đến bạn khác giới

Điều kiện môi trường sống.

Trong môi trường gia đình, các em đã có những thay đổi nhất định về vai trò, được cha mẹ thừa nhận các em như một thành viên tích cực trong gia đình. Được cha mẹ, anh chị giao cho những trọng trách khá nặng nề: chăm sóc em nhỏ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt rũ quần áo, chăn nuôi gia súc. Thậm chí khá nhiều em (nhất là ở nông thôn) trở thành lao động chính, tham gia trực tiếp vào quá trình lao động, góp phần tăng thu nhập của gia đình, các em ý thức được điều đó và thực hiện một cách tích cực. Do vậy, cha mẹ không còn coi các em là bé nhỏ, trẻ con nữa. Các bậc cha mẹ đã bắt đầu quan tâm đến ý kiến của các em, dành cho các em những quyền sống độc lập nhất định (trong khuôn khổ quản lý của cha mẹ), đề ra các yêu cầu cao hơn, các em được tham gia bàn bạc một số công việc nhất định của gia đình, ngược lại, các em cũng biết quan tâm đến xây dựng, bảo vệ uy tín, danh dự của gia đình.

Trong môi trường trường học, hoạt động học tập và các hoạt động khác đòi hỏi và thúc đẩy các em có thái độ tích cực và độc lập hơn, tạo điều kiện cho các em thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của mình. Do việc tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trìu tượng, sâu sắc và phong phú hơn, do đó đòi hỏi các em phải thay đổi cách học. Sự phong phú về tri thức của từng môn học làm cho khối lượng tri thức các em lĩnh hội được tăng lên rất nhiều, tầm hiểu biết về tự nhiên, con người và xã hội được mở rộng. Đặc biệt, việc học các môn học do nhiều thầy, cô giảng dạy với các phương pháp giảng dạy phong phú và đa dạng đã tạo ra sự say mê, hứng thú với các môn học, giúp các em phát triển trí tuệ và hình thành nhiều nét tính cách tích cực do ảnh hưởng cảu cách dạy, đánh giá và nhân cách của thầy, cô.

Ngoài ra, các em còn được tham gia vào nhiều hoạt động ở nhà trường như: lao động, học tập ngoại khóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động xã hội khác (tuyên truyền cổ động, giữ trật tự đường phố, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng … Thiếu niên rất thích tham gia làm công tác xã hội, do được tham gia vào các hoạt động đó (như từ thiện, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, học sinh nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật …) mà trẻ được mở rộng phạm vi giao tiếp, tăng thêm kinh nghiệm sống và các trải nghiệm trong các hoàn cảnh cụ thể của người yếu thế, đo đó, hình thành thái độ tích cực với con người trong xã hội.

Các đặc điểm tâm lý cơ bản

+ Tri giác: Các em đã có khả năng phân tích, tổng hợp các sự vật, hiện tượng phức tạp hơn khi tri giác sự vật, hiện tượng. Khối lượng tri giác tăng lên, tri giác trở nên có kế hoạch, trình tự và hoàn thiện hơn.

+ Trí nhớ: Năng lực ghi nhớ có chủ định được tăng lên rõ rệt, cách thức ghi nhớ được cải tiến (giảm ghi nhớ máy móc, tăng ghi nhớ lôgic và ghi nhớ ý nghĩa), hiệu xuất ghi nhớ được nâng cao. Đặc biệt, các em có nhiều tiến bộ trong ghi nhớ tài liệu trìu tượng, từ ngữ, biết tiến hành các thao tác so sánh, hệ thống hóa, phân loại nhằm ghi nhớ tài liệu.

+ Tư duy: tư duy nói chung và tư duy trìu tượng nói riêng được phát triển mạnh ở tuổi thiếu niên (một trong những yếu tố tạo nên điều đó là khối lượng lĩnh hội tri thức khoa học được tăng nhanh thông qua hoạt động dạy và học các môn học khác nhau tại trường học). Nhưng tư duy hình tượng – cụ thể vẫn tiếp tục phát triển. Các em hiểu các dấu hiệu bản chất của đối tượng nhưng không phải bao giừo cũng phân biệt được những dấu hiệu đó trong mọi trường hợp. Khi các em nắm được khái niệm, có khi lại thu hẹp hoặc mở rộng khái niệm không đúng lúc. Tính phê phán của tư duy cũng được phát triển, các em biết lập luận, giải quyết vấn đề một cách có căn cứ. Các em không dễ tin như tuổi nhi đồng, các em đã biết vận dụng lí luận vào thực tiễn, biết lấy những điều quan sát được, những kinh nghiệm riêng của mình để minh họa kiến thức.

Hoạt động giao tiếp của thiếu niên.

+ Giao tiếp của thiếu niên với người lớn: do sự phát triển của cơ thể và sự thay đổi về vai trò của trẻ trong gia đình và trong nhà trường, xã hội, thiếu niên xuất hiệnmột cảm giác độc đáo: “cảm giác mình là người lớn”. Các em cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa, nhưng các em cũng nhận thấy mình chưa thật sự là người lớn. Cảm giác đã là người lớn được biểu hiện qua các hành vi ứng xử rất cụ thể trong đời sống hàng ngày của trẻ. Cụ thể:

* Trong học tập, các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn thể hiện lập trường quan điểm riêng. Thích lập luận, triết lý …

* Trong phạm vi ý thức xã hội, các em muốn độc lập và không phụ thuộc vào người lớn ở một mức độ nhất định. Các em đòi hỏi, mong muốn người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như đối xử với người lớn, không thích người lớn can thiệp quá tỉ mỉ vào một số mặt trong đời sống riêng tư của các em.

* Các em bắt đầu chống đối những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện. Các em bảo vệ ý kiến của mình không chie trong lời nói mà trong cả hành vi.

Cảm giác về sự trưởng thành và nhu cầu được người lớn thừa nhận là người lớn ở tuổi thiếu niên đã tạo ra sự thay đổi ở các em về nhận thức quyền hạn và quan hệ với người lớn và giữa các em với nhau. Các em không chỉ mong muốn hạn chế quyền hạn kiểm soát của người lớn (đặc biệt là cha mẹ) mà còn mong muốn mở rộng quyền hạn của mình, được tự chủ trong các hành vi ứng sử và ngay cả việc đưa ra các quyết định của mình trong cuộc sống (điều này vốn dĩ trước đây lệ thuộc vào cha mẹ và thầy cô giáo …). Đó chính là biểu hiện nhu cầu được người lớn tôn trọng nhân cách, phẩm giá, tin tưởng và mở rộng tính độc lập tự chủ của thiếu niên. Điều này, thúc đẩy hệ thống hành vi tích cực ở trẻ trong các hoạt động (học tập, lao động, xã hội, giao tiếp …), các em chấp nhận những yêu cầu đạo đức và phương thức hành vi của người lớn để xứng đáng với nhu cầu tự khảng định mình là người lớn. Nhưng những phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, tri thức hiểu biết về xã hội, các trải nghiệm … của các em chỉ ở một giới hạn nhất định, do đó tạo ra mâu thuẫn giữa nhu cầu (được cường điệu hóa) và những điều kiện sẵn có (các thuộc tính, phẩm chất nhân cách) chưa hoặc thiếu hụt để đáp ứng nhu cầu và biến các nhu cầu đó trở thành hiện thực thông qua hoạt động.

Cần lưu ý rằng, nhu cầu, nguyện vọng của các em là chính đáng, người lớn (đặc biệt là cha mẹ và thầy cô giáo) phái có sự thay đổi thái độ đối xử với các em trên cơ sở tôn trọng trẻ. Nếu người lớn không chủ động thay đổi, thì các em sẽ là người khởi xướng sự thay đổi trong mối quan hệ với người lớn. Nếu người lớn chống đối, áp đặt, mệnh lệnh (thậm chí trừng phạt) với các em thì sẽ gặp phải những phản ứng của trẻ thông qua các hành vi, như: không vâng lời, có hành vi bướng bỉnh, bất bình, càu nhàu. Trong tình huống phản ứng của trẻ mà người lớn không bình tâm xem xét lại về phía mình để điều chỉnh hành vi thái độ cho phù hợp thì dẫn đến xung đột của các em với người lớn có thể kéo dài đến hết lứa tuổi này.

Những quan hệ xung đột giữa các em với người lớn làm nảy sinh những hành vi tương ứng ở các em: xa lánh người lớn (ngay cả với cha mẹ, người thân và các thầy cô giáo), không tin tưởng vào người lớn và luôn tồn tại một suy nghĩ rằng, người lớn không và không chịu hiểu các em. Do vậy, các em rất dễ có những lời nhận xét, đánh giá thiếu thiện cảm (đôi khi là cay nghiệt) đối với người lớn.

Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, có nhiều yếu tố làm cho người lớn vẫn giữ nguyên quan hệ như trước đây đối với các em: các em vẫn còn là học sinh, vẫn phụ thuộc vào cha mẹ về kinh tế, ăn ở, nuôi dưỡng, chăm sóc …; cha mẹ và giáo viên vẫn đang giữ vai trò giáo dục các em; trong cuộc sống hành ngày các hành vi ứng xử, suy nghĩ, dáng dấp, khuôn mặt … của các em vẫn là trẻ con; đặc biệt là tính huyết thống, bản năng bao bọc che chở, gắn bó của cha mẹ đối với trẻ rất khó có thể xa rời sự kiểm soát trẻ được, đó cũng là rào cản để các bậc cha mẹ tăng quyền hạn và tính độc lập của trẻ được. Đặc biệt, các gia đình hiện nay lại chỉ có 1 đến 2 con, việc chăm sóc và quản lý trẻ lại càng sát sao và đôi khi các bậc cha mẹ làm thay, “sống thay” đứa trẻ.

+ Giao tiếp với bạn bè

Hoạt động giao tiếp với bạn bè ở lứa tuổi thiếu niên hết sức đa dạng cả về nội dung, cả về hình thức, cả về tính chất và cả về các mối quan hệ. Sự giao tiếp của các em đã không chỉ vượt ra ngoài phạm vi học tập, phạm vi gia đình, nhà trường mà còn mở rộng quan hệ bạn bè của trẻ. Có thể nói rằng, nhu cầu giao tiếp của các em là rất lớn, bởi vì:

* Các em rất khao khát được giao tiếp nhằm trao đổi các thông tin, chia sẻ các cảm xúc mà vốn dĩ các thông tin và cảm xúc này rất khó chia sẻ với cha mẹ và thầy cô giáo, các em tìm đến nhau, những người cùng cảnh ngộ để tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ.

* Các em mong muốn mình là một thành viên của một tập thể, được giao tiếp và hoạt động cùng nhau, được sống trong một tập thể, có những người bạn thân thiết tin cậy, mọi người tôn trọng và thừa nhận nhau.

* Các em cho rằng, quan hệ bạn bè cùng tuổi là quan hệ riêng của cá nhân, các em có quyền hành động độc lập, không muốn người lớn can thiệp vào các quan hệ đó. Nếu có sự can thiệp thô bạo (ngăn cấm, sỉ vả …) của người lớn sẽ khiến các em cảm thấy bị xúc phạm và các em sẽ chống đối lại. Các em muốn có một tình bạn gắn bó để chia sẻ tâm tình để chia sẻ những nhận xét, đánh giá, những băn khoăn về dáng vẻ bề ngoài, về tình cảm, ý nghĩ tâm tư của mình, về quan hệ của mình với người khác và cả quan hệ của người khác với nhau.
Sự bất hòa trong quan hệ bạn bè cùng lớp, sự thiếu thốn bạn thân hoặc tình bạn bị phá vỡ đều sinh ra những cảm xúc nặng nề, nhất là bị các bạn tẩy chay. Tất cả những vấn đề đó đều có thể dẫn đến những stress ở trẻ và thậm chí gây ra trầm cảm ở lứa tuổi này.

Lúc đầu phạm vi giao tiếp của các em thường là rộng, nhưng không bền vững, có tính chất tạm thời, là thời kỳ lựa chọn, tìm kiếm bạn thân. Sau đó, những em cùng sở thích, cùng hứng thú thì gắn bó lại với nhau thành một nhóm bạn không chính thức. Trong việc chọn bạn, thiếu niên thường yêu cầu cao ở bạn, đề cao những phẩm chất như trung thành, thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, quan hệ bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau. Trong trò chuyện, các em có thể kể cho nhau về mọi mặt sinh hoạt và suy nghĩ của mình, kể cả những điều “bí mật” mà các em không kể với ai, ngay cả với bố mẹ, thầy cô giáo.Các em rất đề cao vấn đề “sống chết có nhau”, “chia ngọt, sẻ bùi” trong tình bạn, biểu hiện sự giống nhau về đời sống nội tâm, sự trùng hợp về giá trị và quan điểm trong cuộc sống.

Một đặc trưng trong quan hệ với bạn bè cùng tuổi là sự xuất hiện những sắc thái mới trong quan hệ với bạn khác giới – những cảm xúc giới tính. Các em đã bắt đầu quan tâm lẫn nhau, ưa thích nhau, từ đó các em quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình (từ hành vi đến cách ăn mặc, nói năng, ứng xử). Ở các em gái thái độ quan tâm đến bạn thường thể hiện khá thụ động và kín đáo (làm dáng và chú ý đến hình thức của mình hơn), các em thường che dấu tình cảm của mình bằng cách tỏ vẻ thờ ơ, lãnh đạm với bạn trai. Các em trai lại ngược lại, thường bày tỏ thái độ này một cách công khai, ngang nhiên, có khi thô bạo (giật tóc, dấu cặp sách, xô đẩy, trêu trọc bạn gái …). Về sau những quan hệ này được thay đổi, mất tính trực tiếp, xuất hiện tính ngượng ngùng, e thẹn nhút nhát. Tuy vậy, hành vi bên ngoài có thể khác nhau, nhưng các em đều có hiện tượng tâm lý giống nhau là các em chú ý nhiều đến các bạn khác giới, mong bạn khác giới chú ý đến mình và ưa thích mình.

Nhìn chung, những cảm xúc giới tính của các em là hồn nhiên, trong sáng. Đó cũng chính là động lực để các em tự hoàn thiện mình (về học tập, rèn luyện đạo đức, lao động, các hoạt động văn hóa xã hội, ứng xử …) để làm đẹp trong mắt bạn khác giới. Tuy vậy, cũng có một số em bị cuốn hút vào con đường yêu đương.

Đặc biệt, ở lứa tuổi này là dễ xúc động, vui buồn chuyển hóa dễ dàng, tình cảm còn mang tính chất bồng bột, hăng say, dễ bị kích động. Điều này do ảnh hưởng của sự phát dục, hoạt động của hệ thần kinh không cân bằng, hưng phấn mạnh hơn ức chế đã làm cho các em khó khăn trong việc tự kiềm chế cảm xúc của mình. Các em dễ có những hành vi phản ứng mạnh liệt trước sự đánh giá, nhất là sự đánh giá thiếu công bằng của người lớn đối với các em.

Nguồn: Trần Thu Hương – Hành vi con người và môi trường xã hội.Nhìn chung, những cảm xúc giới tính của các em là hồn nhiên, trong sáng. Đó cũng chính là động lực để các em tự hoàn thiện mình (về học tập, rèn luyện đạo đức, lao động, các hoạt động văn hóa xã hội, ứng xử …) để làm đẹp trong mắt bạn khác giới. Tuy vậy, cũng có một số em bị cuốn hút vào con đường yêu đương.

Đặc biệt, ở lứa tuổi này là dễ xúc động, vui buồn chuyển hóa dễ dàng, tình cảm còn mang tính chất bồng bột, hăng say, dễ bị kích động. Điều này do ảnh hưởng của sự phát dục, hoạt động của hệ thần kinh không cân bằng, hưng phấn mạnh hơn ức chế đã làm cho các em khó khăn trong việc tự kiềm chế cảm xúc của mình. Các em dễ có những hành vi phản ứng mạnh liệt trước sự đánh giá, nhất là sự đánh giá thiếu công bằng của người lớn đối với các em.

Nguồn: Trần Thu Hương – Hành vi con người và môi trường xã hội.

Nội dung

Xin chào! Lumiere có thể giúp gì cho bạn ;
Gọi tới Lumiere
Gọi tới Lumiere