
Sự phát triển tâm lý trẻ em từ 1 tuổi đến 3 tuổi
1. Thể chất và vận động
Sự phát triển vận động và thể chất ở trẻ là một quá trình thống nhất. Để trẻ có được sự phát triển bình thường thì các nhu cầu thiết yếu của trẻ cần phải được đáp ứng: trẻ cần phải ngủ đủ giấc, phải cảm thấy mình an toàn, phải có được sự chăm sóc thường xuyên của những người xung quanh và phải nhận được sự tác động cần thiết của môi trường sống.
2. Hoạt động với đồ vật
Mặc dù cha mẹ không nhận thấy những thay đổi tích cực của trẻ khi chơi với đồ vật, nhưng trên thực tế, việc chơi với đồ vật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhận thức của trẻ, là nền tảng ban đầu cho sự phát triển tư duy và ngôn ngữ về sau.
Sự tương tác giữa trẻ em với thế giới có thể phân tách làm 2 tuyến: tuyến quan hệ tương tác với đồ vật và tuyến quan hệ tương tác với con người, sau sẽ phát triển thành hoạt động và giao tiếp. Hai tuyến quan hệ tương tác này luôn gắn bó đan xen, quyện vào nhau, không tách rời nhau nhưng trong mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn phát triển tâm lý sẽ có một tuyến quan hệ tương tác nào đó nổi trội hơn. Ở giai đoạn từ 1-3 tuổi, tuyến quan hệ với đồ vật phát triển hơn (Enconhin, 2004).
Khoảng 15-18 tháng, trẻ bắt đầu chơi đồ vật theo đúng chức năng cơ bản của nó (giả vờ uống nước bằng cốc hoặc là chải tóc bằng lược trong khi chơi). Đến tháng thứ 21, trẻ đã sử dụng những đồ vật theo đúng chức năng của chúng (cho búp bê ăn bằng thìa, đặt búp bê ngồi vào ô tô đồ chơi, mở cửa bằng chìa khoá).
Đến 2 tuổi, các hoạt động của trẻ trở nên giống thật hơn (mang búp bê đi dạo, lắp ghép ô tô đồ chơi). Đến 3 tuổi, trẻ bắt đầu hình dung búp bê giống như người, biết hoạt động và biết suy nghĩ như con người.
Hoạt động chơi với đồ vật trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ em từ 1 đến 3 tuổi và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ. Từ chỗ chỉ nghịch đồ vật một cách vu vơ, trẻ đã hành động với các đồ vật theo phương thức nhất định. Phương thức sử dụng mỗi đồ vật đều được ẩn giấu trong cấu trúc, chức năng, hình dáng của vật do con người sáng tạo ra.
Được người lớn hướng dẫn cách sử dụng từng đồ vật, khen ngợi mỗi khi trẻ hành động đúng, chỉnh sửa mỗi khi trẻ hành động sai, dần dần trẻ sử dụng đồ vật theo đúng chức năng của nó. Đó cũng chính là cách trẻ dần dần lĩnh hội, tiếp thu kinh nghiệm lịch sử – xã hội loài người trong việc sử dụng các công cụ lao động.

3. Sự bắt chước
Theo Piaget, khả năng bắt chước theo các hành động của người khác ở trẻ em là một trong những biểu hiện của sự phát triển nhận thức. Hoạt động chơi với đồ vật của trẻ 1 – 3 tuổi là sự bắt chước những hành động của mọi người xung quanh mà trẻ cảm nhận được.
4. Tri giác
Mọi hành vi của trẻ đều gắn liền với những gì trẻ trực tiếp tri giác trong hiện tại. Ví dụ, nếu người mẹ dặn một đứa con 2 tuổi ngồi yên trên ghế đợi mẹ một lúc, thì ngay khi người mẹ đi khỏi, trẻ lập tức bị lôi cuốn bởi những cảnh vật xung quanh trong trường tri giác của nó và bắt đầu làm những gì nó thích. Vì vậy, nhiệm vụ ngồi yên trên ghế một mình đợi mẹ là không thể thực hiện được đối với đứa trẻ 2 tuổi.
Bên cạnh tri giác thị giác, tri giác thính giác cũng phát triển mạnh. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các âm thanh ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ. Giai điệu của những lời hát ru, những bài nhạc, tiếng kêu của các con vật đều là những âm thanh thú vị, lôi cuốn sự chú ý của trẻ. Trẻ cũng phân biệt được và hay bắt chước những âm thanh này.
Một điểm đặc biệt của tri giác ở lứa tuổi này là màu sắc xúc cảm của tri giác: đi kèm với tri giác luôn là những phản ứng xúc cảm (vui sướng, ngạc nhiên, sợ hãi,…). Trẻ tri giác những gì nó thích và hành động theo ý thích đó. Có thể nói, cảm xúc là cầu nối cho sự thống nhất giữa tri giác và vận động. Ở trẻ 3 tuổi, tri giác mang đậm màu sắc cảm xúc sẽ trực tiếp chuyển thành hành động.
5. Tư duy
Dạng tư duy cơ bản của trẻ em lứa tuổi này là tư duy trực quan hành động – thể hiện qua các hành động định hướng bên ngoài, chỉ diễn ra trong quá trình hoạt động trực tiếp với đồ vật. Giai đoạn này, trẻ rất tích cực khám phá những mối liên hệ mới mẻ, thú vị đối với trẻ. Ví dụ như trẻ muốn biết điều gì sẽ xảy ra khi bật công tắc đèn hay bấm các nút của điều khiển tivi. Trẻ rất thích chơi các trò chơi tìm kiếm hay trốn tìm do người lớn nghĩ ra. Trẻ rất tự hào khi tìm thấy đồ vật bị giấu. người lớn cần dành thời gian chơi với trẻ, có thể làm cho trò chơi phức tạp hơn một chút và khen ngợi để kích thích tính tích cực của trẻ.
6. Cảm xúc và động cơ
Trẻ có thể vừa mới khóc vì bị lấy mất đồ chơi, xong lại cười ngay khi được cho xem cái gì đó mới. Mong muốn của trẻ cũng không bền và dễ trôi qua.
Trong suốt thời kỳ này, trẻ biểu hiện nhiều cảm xúc khác nhau, trong đó có những cảm xúc xã hội từ đơn giản đến phức tạp dần cùng với sự nhận biết ngày càng gia tăng về các quy tắc xã hội.
Trẻ bắt đầu có khả năng tưởng tượng mình là người khác trong các trò chơi giả vờ, ví dụ như trẻ đóng vai cô giáo và bắt đầu hành động giống cô giáo. Thậm chí trẻ đã có thể hiểu được người khác chờ đợi gì ở trẻ và cố gắng thay đổi cách cư xử của mình để thoả mãn những mong chờ ấy.

7. Các mối quan hệ giao tiếp
Giao tiếp với người lớn giúp trẻ nhận biết những chuẩn mực xã hội đầu tiên và giúp trẻ nhận biết thế giới xung quanh tốt hơn. Người lớn luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của trẻ, thương yêu và bảo vệ trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái. Nhu cầu giao tiếp, nhận thức và hoạt động được thoả mãn sẽ ảnh hưởng tốt đến sự phát triển nhận thức, ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ.
Sự giao tiếp với bạn bè cùng tuổi giúp cho trẻ có những trải nghiệm cảm xúc xã hội ban đầu, bước đầu phát triển khả năng tự đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khả năng cạnh tranh và hợp tác nhóm sau này. Mặc dù trẻ em lứa tuổi này chưa có khả năng thoả thuận cùng nhau về luật chơi, dễ đẩy nhau, đánh nhau, giành đồ chơi, dẫn đến khóc lóc, nhưng chúng có thể quên những điều đó rất nhanh.
8. Xuất hiện khả năng tự ý thức
Khoảng sau 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận biết mình trong gương – biết hình ảnh trong gương chính là bản thân mình (trẻ dưới 2 tuổi không phản ứng với hình ảnh mình trong gương). Nhận biết mình trong gương là hình thức tự ý thức sơ đẳng đầu tiên. Tiếp đến, đứa trẻ có thể gọi mình theo tên ở ngôi thứ ba: “Đậu thích ô tô, lấy cho Đậu ô tô”. Tiếp đó, trẻ có thể xưng “con”, “cháu” – đặt mình ở ngôi thứ nhất.
Tiếp đến, ở trẻ còn có hình thức tự đánh giá đầu tiên, thể hiện nhu cầu muốn được yêu thương, được khen ngợi của trẻ (cơ sở để phát triển lòng tự trọng ở trẻ sau này). Ví dụ như nếu có ai đó trêu “Đậu hư lắm”, trẻ sẽ phản đối “Không phải, Đậu không hư, Đậu ngoan”.
Một biểu hiện nữa của tự ý thức là tự nhận thức được giới tính của mình. Vào khoảng 2 tuổi, trẻ đã biết mình là trai hay gái và nhận ra người khác là trai hay gái để chào “chú”/ “cô” tương ứng vẻ bề ngoài của họ. Đến 3 tuổi, trẻ trai và trẻ gái đã có xu hướng chơi các đồ chơi khác nhau, các em cũng hay chọn các bạn chơi cùng giới.
Nguồn: Tâm lý học phát triển, Trương Thị Khánh Hà, NXB ĐHQGHN.
Ở các phần sau, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sự phát triển tâm lý của các giai đoạn sau: 3-6 tuổi, 6-11 tuổi, 12-17 tuổi,…
Kính mời các bạn đọc, các vị phụ huynh đón đọc series CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ TỪ SƠ SINH ĐẾN VỊ THÀNH NIÊN.