Tự kỷ ở trẻ em và những điều cha mẹ nên lưu ý

Lúc 18 tháng tuổi, con bạn có…
1. Nhìn bạn và chỉ bằng ngón trỏ cho bạn xem vật gì không?
2. Nhìn theo khi bạn chỉ bằng ngón trỏ một vật gì không?
3. Dùng trí tưởng tượng để chơi giả bộ không?
Nếu câu trả lời là KHÔNG, thì con bạn có thể có nguy cơ TỰ KỶ…

Theo Tổ chức Y tế thế giới:
“Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa, được đặc trưng bởi sự phát triển bất thường hoặc suy giảm biểu hiện trước 3 tuổi với một rối loạn điển hình về hoạt động trong các lĩnh vực sau: tương tác qua lại về mặt xã hội; giao tiếp; hành vi có tính chất thu hẹp và lặp đi lặp lại.”

Trẻ tự kỷ có một số điểm cốt yếu sau

– Sự thiếu vắng các mối quan hệ nhân quả trong tương tác xã hội;
– Sự thiếu sót một số chức năng căn bản giúp trẻ có thể thực hiện các giao tiếp với môi trường và những người xung quanh;
– Kiếm tìm sự đơn độc, kiếm tìm sự bất biến;
– Hành vi rập khuôn và sự thiếu vắng ngôn ngữ;…

Những triệu chứng của hành vi tự kỷ

1. Các vấn đề xã hội
– Không quan tâm đến các trẻ khác đang chơi;
– Có vẻ hằn học với anh chị em;
– Ngồi gào khóc một mình thay vì gọi mẹ;
– Không để ý lúc cha mẹ đi hay lúc cha mẹ về nhà;
– Không quan tâm chơi ú oà hay những trò chơi tương tác khác;
– Phản ứng mạnh khi được cha mẹ bồng, ôm hay hôn;
– Không giơ tay đòi bế ra khỏi nôi khi có người đến bế;

2. Các vấn đề giao tiếp
– Trẻ tự kỷ thường không nhận biết môi trường xung quanh và khó tiếp xúc mắt;
– Trẻ có vẻ không quan tâm đến giao tiếp;
– Khi trẻ cần gì, thường hay cầm tay dắt chúng ta đến vật đó, hay nói cách khác, trẻ dùng cha mẹ hay người lớn như một công cụ để lấy cho trẻ vật trẻ thích.

3. Những hành vi lặp đi lặp lại
– Vẫy tay hay nhìn liên tục vào quạt trần đang quay;
– Tự quay lòng vòng;
– Xếp các đồ chơi thành hàng dài;
– Không quan tâm đến đồ chơi mà chỉ gắn bó với một số vật dụng;
– Thích bắt các hạt bụi bay trong ánh nắng;
– Không biết cách chơi phù hợp với đồ chơi, mà chỉ thích một phần của đồ chơi (chẳng hạn: trẻ chỉ thích tập trung quay bánh xe của một ô tô đồ chơi,…)

4. Những hành vi kỳ lạ bất thường
– Lắc lư, đong đưa;
– Tắt và bật đèn liên tục;
– Ăn những đồ vật bất thường như quần áo, nệm hay màn cửa;
– Thích búng ngón tay trước mắt;
– Thích chui xuống nằm dưới gầm các vật nặng như dưới gầm giường;
– Bôi trét phân;
– Thích tìm những tác động mạnh trên cơ thể (nhảy từ trên cao xuống, nhảy từ đồ vật nọ sang đồ vật kia,…)

5. Các vấn đề vận động
– Phối hợp vận động kém (lên xuống cầu thang khó), vụng về;
– Khiếm khuyết vận động tinh;
– Đi nhón gót chân;
– Khiếm khuyết cảm nhận chiều sâu;
– Giữ thăng bằng theo cách lạ thường;
– Hay chảy dớt dãi;
– Không biết đạp xe đạp ba bánh hay lái xe tải đồ chơi…

6. Nhạy cảm quá mức
Trẻ tự kỷ rất khó chịu đựng âm nhạc, tiếng động, các loại mặt vải, và những thay đổi môi trường sinh hoạt. Càng tiếp xúc với nhiều cảm giác, trẻ càng có hành vi phản ứng.

7. Các vấn đề cảm giác
– Trẻ rất khó chịu khi cắt tóc;
– Không chịu buộc dây an toàn;
– Không chịu được những điều mới lạ (như nến sinh nhật hay bong bóng);
– Không cho tắm rửa;
– Dễ nôn ói khi ngửi những mùi lạ trong nhà;
– Thích quay các vật trước mặt;
– Trẻ có vẻ điếc, không giật mình khi nghe tiếng động to, nhưng có lúc lại có vẻ nghe bình thường;
– Không chịu mặc quần áo ấm khi ra ngoài trời lạnh, nhưng có khi lại đòi mặc áo ấm giữa mùa hè;
– Không cho thay quần áo;
– Có thể xé quần áo của mình, nhất là xé các nhãn hiệu và các đường may…

8. Các hành vi tự gây thương tích
– Đập đầu;
– Tự cắn mà không biết đau;
– Tự cấu xé và cào xước da;
– Tự bứt cả nắm tóc…

9. Các vấn đề an toàn
– Không biết nguy hiểm;
– Không nhận ra những tình huống làm cho trẻ bị tổn thương;
– Không sợ độ cao…

10. Rối loạn giấc ngủ/ đáp ứng đau/ co giật
– Trẻ có thể thức vài ngày liền mà không buồn ngủ;
– Trẻ có vẻ không phân biệt được ngày đêm;
– Trẻ khó vào giấc ngủ và ngủ hoài;
– Trẻ có tthể chỉ ngủ một – hai giờ, hậu quả là cha mẹ cũng mất ngủ theo,…
– Co giật gia tăng với tuổi, chưa rõ nguyên nhân;
– Phản ứng đau giảm, không biết đau hoặc phản ứng đau quá đáng;…

Tác động của tự kỷ trong Gia đình

– Với một trẻ tự kỷ, sinh hoạt quy định hằng ngày có thể không được thực hiện.
– Đời sống của cha mẹ và của những đứa con khác dễ trở nên căng thẳng.
– Gia đình có thể cần được tư vấn và trợ giúp.

Vai trò của can thiệp giáo dục sớm

– Các nghiên cứu đã chứng minh: can thiệp giáo dục sớm đem lại những kết quả tích cực cho trẻ và cả gia đình. Can thiệp sớm có thể bao gồm dạy trẻ nhận biết những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dần dần cải thiện được những kỹ năng giao tiếp của trẻ. Gia đình trẻ cần được giới thiệu tới các trung tâm can thiệp sớm để được lượng giá nếu nghi ngờ chậm phát triển.
– Tuỳ theo nhu cầu của trẻ, can thiệp sớm có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, trị liệu vật lý và trị liệu hướng nghiệp.

Can thiệp đối với trẻ mắc tự kỷ là một chương trình can thiệp toàn diện, lâu dài và cần có sự tham gia của các thành viên liên quan đến trẻ: cha mẹ, người thân; thầy cô và chuyên gia. Trẻ cần được can thiệp trên nhiều phương diện: chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục và uốn nắn, hỗ trợ các kỹ năng cần thiết.

Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.

Viện Nghiên cứu và Thực hành Tâm lý học Lumiere có các chuyên gia hàng đầu về tâm lý lâm sàng, đánh giá chuyên sâu, can thiệp – trị liệu các vấn đề, rối nhiễu tâm lý, tâm thần; các vấn đề về rối loạn phát triển và hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và thanh thiếu niên, đánh giá – chẩn đoán chính xác tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn tâm vận động, rối loạn tăng động giảm chú ý,… ở trẻ; từ đó đưa ra những tư vấn định hướng, chương trình hỗ trợ cho trẻ và cha mẹ.

Nếu cha mẹ/ bạn đọc cần thêm thông tin liên quan đến trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển,… vui lòng liên lạc với Viện Lumiere qua inbox fanpage Viện Nghiên cứu và Thực hành Tâm lý học Lumiere hoặc hotline: 0329.950.210 để được tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết!

Nội dung

Xin chào! Lumiere có thể giúp gì cho bạn ;
Gọi tới Lumiere
Gọi tới Lumiere